Ngoài các vitamin thiết yếu quen thuộc như A, E, trẻ con thành thị thời hiện đại có thể cũng đang thiếu vitamin N, tức nature (thiên nhiên).
Năm 2005, tác giả người Mỹ Richard Louv giới thiệu khái niệm “rối loạn thiếu hụt thiên nhiên” (nature-deficit disorder) trong quyển sách Last Child in the Woods (tạm dịch: Đứa trẻ cuối cùng trong rừng).
Louv cho rằng thiếu gắn kết với thiên nhiên khi còn nhỏ liên quan trực tiếp đến nhiều vấn đề về sức khỏe và hành vi khi trẻ lớn lên. Nếu so với thế hệ trẻ trong thời Internet ngày nay với cha mẹ chúng – những người không lớn lên cùng công nghệ, ta sẽ thấy nhận định của tác giả là hoàn toàn chính xác. Năm 2016, Louv ra quyển sách mới: Vitamin N, The Essential Guide to a Nature-Rich Life (Vitamin N, bí kíp cần thiết để có cuộc sống giàu thiên nhiên), trong đó đưa ra khái niệm “vitamin thiên nhiên” kèm theo cẩm nang, để cha mẹ cho trẻ em nạp loại dưỡng chất này ngay từ nhỏ.
Theo Louv, thiếu vitamin N không phải là bệnh lý, mà là hệ quả của việc con người tự tách rời mình với thiên nhiên. Với trẻ em, điều này sẽ ảnh hưởng đến sức khỏe và hành vi khi lớn lên; và với vai trò người lớn, sự thiếu hụt vitamin N sẽ tiếp tục ảnh hưởng sang cộng đồng, rộng hơn là xã hội.
Louv cho rằng khi trẻ dành nhiều thời gian hơn trong thế giới kỹ thuật số, tự đóng các giác quan của mình để chỉ chăm chú vào các thể loại màn hình (tivi, máy tính, điện thoại), thiên nhiên càng có vai trò quan trọng như một phương thuốc hơn bao giờ hết. Trả lời báo The Star (Canada) hồi năm 2006, ông nói rằng không có một toa thuốc chung nào cho những người bị thiếu vitamin N.
Điều may mắn là không khó để bổ sung loại vitamin này. “Một vài trải nghiệm với tự nhiên sẽ tốt hơn là không có gì và càng nhiều trải nghiệm hơn nữa thì càng tốt” – Louv chia sẻ. Louv, với dự án Children & Nature Network, khuyến khích người lớn đưa con trẻ về với thiên nhiên càng nhiều càng tốt. Và mùa hè chính là để làm điều này.
Vì sao cần vitamin N?
Những người từng lớn lên mà không biết Internet là gì hẳn đã dành cả ấu thơ với đồng quê, sân nhà, trèo cây, lội suối, hái hoa, tức hoàn toàn xa lạ với hội chứng “thiếu hụt thiên nhiên”. Với thế hệ trẻ em hiện tại – được xem là “thế hệ chỉ ở trong nhà” (indoor generation), những thú vui nói trên vô cùng xa lạ. Trẻ em ngày nay hiếm khi ra khỏi nhà, có ra đường thì cũng là đô thị chật hẹp, không khí ô nhiễm. Có thiên nhiên “dự phần”, cuộc sống của trẻ sẽ giảm nguy cơ stress, béo phì, có thể giúp giảm các hội chứng rối loạn tăng động giảm chú ý (ADHD). Dành thời gian trong các không gian xanh sẽ giúp ích cho não, cơ thể và cả tâm hồn của trẻ, theo The Star.
Trong quyển Last Child in the Woods, Louv dẫn 20 nghiên cứu khác nhau cho rằng gắn với thiên nhiên sẽ cải thiện sức khỏe thể chất, tinh thần và cảm xúc, các kỹ năng nhận thức, phát triển các giác quan và khả năng học tập. Ngược lại, tách trẻ ra khỏi các cuộc chơi tự do (unstructured play) trong môi trường tự nhiên sẽ dẫn đến các hệ quả nghiêm trọng cho sức khỏe tinh thần, thể chất của trẻ. Theo chuyên gia giáo dục và môi trường Laura Turner Seydel, thiên nhiên là phương thức trị liệu đầy tiềm năng cho trầm cảm, béo phì và ADHD. Trẻ được giáo dục theo phương pháp gắn với thiên nhiên đạt điểm cao hơn trong các bài kiểm tra về giải quyết vấn đề, tư duy phản biện và ra quyết định.
Trải nghiệm với tự nhiên khi còn thơ ấu cũng giúp quyết định trí tưởng tượng sau này của trẻ. Các nghiên cứu chỉ ra khi một nhóm trẻ cùng chơi trong không gian mở, đứa bé được chọn làm “lãnh đạo” thường là em thông minh nhất. Ngược lại, khi chơi trong sân ximăng, những đứa bé khỏe mạnh về thể chất thường được chọn làm thủ lĩnh. Có thể hình dung sự khác biệt giữa hòa mình vào thiên nhiên và ru rú trong nhà; giữa trèo cây, nghịch bẩn hay chạy theo cánh diều giữa gió trời và ngồi trong nhà, hứng ánh sáng xanh từ màn hình các thiết bị điện tử… là thế nào.
Cho trẻ khám phá thiên nhiên sẽ khuyến khích sáng tạo, “nghĩ bên ngoài chiếc hộp” thay vì nghịch smartphone. Chính Louv đã nói: “Cuộc sống càng nhiều công nghệ thì ta càng cần nhiều thiên nhiên”.
“Một liều thiên nhiên”
Ngày hè, khi con trẻ không phải đến trường, cha mẹ có thể nạp vitamin N cho con bằng cách cho chúng chơi đùa trong rừng, bên sông hồ hay đồng ruộng, hoặc bất kỳ không gian mở và có thể vui chơi tự do nào. Tắm rừng, phương pháp về với không gian xanh để cảm thấy khỏe mạnh của người Nhật mà TTCT từng giới thiệu, là một ví dụ hay.
Trong bài viết “Sức khỏe trẻ em phụ thuộc vào vitamin N” trên website của Đài Kare11 (Mỹ), tác giả Belinda Jensen dẫn các quyển sách của Louv và cho rằng trẻ em cần được tự mình khám phá, tìm tòi. “Ngay cả việc trèo cây hay ném hòn sỏi lướt trên mặt nước cũng có thể tạo nên sự khác biệt” – tác giả viết. 10 năm trước có khoảng 30 bài nghiên cứu về chuyện này và ngày nay con số nghiên cứu đã tăng lên 700, tất cả đều khẳng định về với thiên nhiên vô cùng quan trọng. Nếu chưa biết phải làm sao để cho con “một liều thiên nhiên”, các bậc cha mẹ có thể tham khảo quyển sách của Louv, vì đây được xem là “cẩm nang đưa con trẻ về với thiên nhiên” với tận 500 “bí kíp”.
Vài gợi ý chọn lọc, phù hợp cho các gia đình ở đô thị lớn tại Việt Nam: luôn chuẩn bị sẵn một chiếc túi với các vật dụng cần thiết để dã ngoại, để khi cần chỉ việc “cầm túi lên và đi”. Đặt ra luật “ngày nắng đẹp”, không có lý do gì lại ru rú trong nhà. Chọn một ngày đẹp, xin nghỉ làm đưa bọn trẻ ra công viên hay rừng cây để dã ngoại. Đặt lịch về với thiên nhiên. Cách tốt nhất để thực sự ra khỏi nhà và đi đâu đó là cho ngày đó vào lịch.
Louv cũng khuyên hãy xem dịp cả nhà ra ngoài về với thiên nhiên là “buổi hẹn hò phiên bản gia đình”. Chọn khung cảnh thiên nhiên với cây cối và nguồn nước như con suối, bãi biển hay thác nước thường có nhiều một loại phân tử gọi là ion âm – ta không thể thấy hay ngửi được chúng, song khi ta hít vào và chúng đi đến mạch máu, ion âm sẽ tăng cường hàm lượng serotonin giúp giảm trầm cảm. Khi đã ra ngoài, cha mẹ hãy lùi lại phía sau và để trẻ tự do khám phá thay vì bắt chúng phải làm thứ này thứ kia, dù chúng sẽ lội vào bùn hay nhặt từng cành cây. Khuyến khích trẻ đặt câu hỏi và tự đưa ra câu trả lời. Cha mẹ hãy hóa thân làm người khám phá tò mò và sẵn sàng ngạc nhiên cùng với trẻ.
Đánh thức các giác quan của trẻ: Trẻ cần được khuyến khích trải nghiệm thiên nhiên bằng mọi giác quan như bò trườn trên đất, đi chân trần, ngửi hoa thơm cỏ lạ, lắng nghe âm thanh thiên nhiên. Khuyến khích trẻ sáng tạo cùng thiên nhiên. Những hoa và lá có thể tạo thành hình gì, có thể dùng bùn để vẽ hay chăng? Với những nguyên liệu từ tự nhiên, hãy để trẻ thỏa sức sáng tạo.
Và cuối cùng, lẽ đương nhiên là việc nạp vitamin N là chuyện nên làm suốt cả tuổi thơ của trẻ. Cha mẹ cũng nên làm gương, tự mình ra ngoài trước, hòa mình vào thiên nhiên và khuyến khích trẻ làm theo./.
Nguồn: Báo Tuổi Trẻ.
————————- Liên hệ —————————
Fanapge: Tatuplay
Hotline: 0903.114.855
Email:tatuplayeducation@gmail.com